(HNM) - Hà Nội là địa phương tiêu thụ lượng lớn sản phẩm thịt gia súc, gia cầm nhưng mới chủ động được khoảng 60%, còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố và nước ngoài. Trong đó, sản phẩm thịt đông lạnh không rõ thông tin về nước nhập khẩu đang gây khó khăn cho quá trình kiểm tra, kiểm soát.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô khoảng 20.000 tấn thịt lợn hơi/ tháng, thịt bò 5.230 tấn/tháng, thịt gà 5.200 tấn/tháng, thực phẩm chế biến 5.050 tấn/tháng… Với thịt lợn, thịt gà, TP Hà Nội sản xuất cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu, còn thịt bò mới đáp ứng được khoảng 15%, thủy hải sản 5%, trứng gia cầm 66%, thực phẩm chế biến khoảng 25%.
Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Khắc Diến cho biết, qua kiểm tra mặt hàng thực phẩm đông lạnh ở cửa hàng, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối cho thấy, một số mặt hàng thông tin ghi không rõ ràng, cụ thể về chủng loại, nhập khẩu ở đâu. Thậm chí, một số doanh nghiệp sau khi nhập sản phẩm đã xé lẻ, đóng gói để bán cho người tiêu dùng, gây khó cho các ngành chức năng trong quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm. kiểm soát chất lượng sản phẩm đông lạnh Tham gia nhập khẩu sản phẩm thịt từ nước ngoài, ông Sỹ Danh Phúc, đại diện siêu thị Aeon - Fivimart cho biết: Đơn vị có 25 điểm kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội. Các mặt hàng được siêu thị kiểm soát chặt chẽ chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, hiện nay có bất cập trong quy định về kiểm dịch, kiểm soát chất lượng sản phẩm như: Thu phí kiểm dịch theo lô hàng mà không tính khối lượng lớn hay nhỏ, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp nhỏ, dẫn tới khó cạnh tranh các mặt hàng thực phẩm đông lạnh trên thị trường. Ngoài ra, một loạt rào cản kỹ thuật trong nhập khẩu sản phẩm động vật chưa rõ ràng, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong quản lý sản phẩm và bất bình đẳng giữa hàng chất lượng cao và hàng không được kiểm soát.
Là doanh nghiệp chuyên nhập khẩu thực phẩm sạch, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn phát triển và Thương mại Phúc Lâm Phạm Ngọc Thành cho rằng: Các cơ quan quản lý nhà nước nên ban hành những quy định cụ thể về điều kiện nhập khẩu thực phẩm đông lạnh, yêu cầu sản phẩm động vật tiêu thụ phải có nguồn gốc rõ ràng mới được tiêu thụ trên thị trường. Đồng thời, các ngành chức năng phải tăng cường kiểm tra, giám sát sản phẩm thịt đông lạnh bán ở chợ đầu mối, chợ dân sinh, bếp ăn tập thể về chất lượng, tem nhãn, thời gian sử dụng để bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Để tháo gỡ khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm thịt đông lạnh nhập khẩu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng: Vấn đề đặt ra là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm thịt cấp đông có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã qua kiểm dịch.
Về phía các sở, ngành, cần tăng cường kiểm tra những lô hàng nhập khẩu và yêu cầu đơn vị phải có phiếu kiểm tra theo dõi nhập hàng về bảo đảm chất lượng. Những doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm đông lạnh phải phối hợp với sở, ngành thành phố xây dựng điểm kinh doanh thực phẩm an toàn, có phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm để khẳng định hàng hóa bày bán trong hệ thống của đơn vị rõ về xuất xứ, giúp khách hàng nhận biết thực phẩm an toàn và không an toàn.