Năm 2022: Thị trường chuỗi cung ứng lạnh sẽ đạt 271,3 tỷ USD
Thứ ba - 19/01/2016 03:33
Mới đây, Vietnam Supply Chain vừa tổ chức Hội nghị “Quản trị chuỗi cung ứng lạnh - mát và chuỗi cung ứng nông nghiệp tại Việt Nam” nhằm kết nối doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra cái nhìn tổng quan về những vấn đề còn tồn tại và giải pháp trong quản trị chuỗi cung ứng ngành nông nghiệp và quản trị cung ứng lạnh - mát tại Việt Nam.
Theo ban tổ chức, tiềm năng phát triển của ngành cung ứng lạnh - mát tại Việt Nam được đánh giá đứng thứ 17 trên toàn cầu. Tuy nhiên trong thực tế, tỷ lệ tổn thất trung bình trong quá trình thu hoạch, chế biến, lưu trữ và vận chuyển nông sản ở Việt Nam hiện nay còn cao ở mức 25-30%, thậm chí ở mặt hàng trái cây rau quả tỷ lệ này có thể tăng lên 45%. Nguyên nhân chính là do năng lực vận chuyển và vận hành chuỗi cung ứng lạnh vẫn còn hạn chế. Ngành kinh doanh đặc thù
Tại hội nghị, ông Lương Quang Thi (Giám đốc Công ty ABA), đại diện cho các nhà cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng lạnh đã có những chia sẻ về những khó khăn cũng như giải pháp cho ngành cung ứng lạnh - mát Việt Nam. Ông cho biết khách hàng chỉ quan tâm đến vấn đề giá cả, khiến nhiều nhà cung cấp gặp khó khăn trong việc hoàn thành hợp đồng hoặc phải áp dụng các phương pháp cắt giảm chi phí gây ảnh hưởng đến chất lượng của hàng hóa và danh tiếng của khách hàng. Đôi khi khách hàng không muốn đầu tư cho các nhà cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp, dẫn đến việc bất ổn định trong quá trình vận chuyển hàng hóa, gia tăng rủi ro hàng hóa kém chất lượng.
Theo ông Thi, hiện tại Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào thật sự nắm giữ thị trường cung ứng lạnh - mát. Nguyên nhân do thị trường được nắm giữ bởi nhiều nhà cung ứng với nhiều phương pháp tổ chức, hoạt động và thẩm định khác nhau, làm cho hoạt động của chuỗi thường bị phân khúc trên từng giai đoạn thay vì vận hành một cách xuyên suốt. Để khắc phục điều này, ông Thi kêu gọi các nhà cung ứng cùng nhau giữ vững uy tín chất lượng, đóng vai trò là một mắt xích quan trọng để xây dựng thị trường cung ứng lạnh - mát tại Việt Nam trở nên vững mạnh và phát triển.
Tại hội thảo, một số diễn giả trong và ngoài nước cũng chia sẻ các câu chuyện về vai trò của chuỗi cung ứng lạnh trong các hoạt động kinh doanh ở các lĩnh vực mới. Ông Vincent Goalard, đại diện cho công ty International Pharma Services cho biết, chuỗi cung ứng lạnh vô cùng quan trọng trong mảng thuốc men, y tế. Cụ thể đối với vaccine, yêu cầu phải được bảo quản liên tục ở nhiệt độ 5 - 8 độ C, nếu không đáp ứng được tiêu chí này, vaccine có thể mất tác dụng hoặc gây hại cho con người. Chỉ một số ít các nhà vận chuyển có thể đảm bảo yêu cầu này, và tập trung vào các bệnh viện lớn nhất định, khiến việc cung cấp vaccine bị khan hiếm. Thách thức và tiềm năng
Những xu hướng tiêu dùng mới như sử dụng thực phẩm nhập khẩu, thực phẩm organic, chuỗi cửa hàng đồ ăn thức uống được nhượng quyền thương mại, hay sự tham gia của các nhà bán lẻ dưới mô hình siêu thị… cùng việc gia tăng xuất khẩu nông nghiệp và các sản phẩm thủy sản tạo ra nhu cầu lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng lạnh. Sự quan trọng của chuỗi cung ứng lạnh là điều không thể bàn cãi, tuy nhiên hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành.
Thứ nhất, khách hàng vẫn đặt chi phí lên trên chất lượng, thay vì sử dụng dịch vụ bảo quản lạnh hay làm mát, nông sản lại được sử dụng hóa chất để giữ được vẻ tươi mới trong thời gian dài, việc này chưa có hướng giải quyết hay kiểm soát triệt để.
Thứ hai, ngành bảo quản lạnh cần những doanh nghiệp thật sự có chuyên môn về bảo quản nhiệt độ, mỗi loại hoa quả, rau củ, thịt cá… đều có những quy định về nhiệt độ bảo quản riêng cần điều chỉnh thích hợp.
Thứ ba, cần có sự đầu tư lớn cho các kho lạnh, xe lạnh cũng như các hệ thống thiết bị khác, trong khi đó biên lợi nhuận của ngành vận tải tương đối thấp, làm rào cản cho các doanh nghiệp gia nhập.
Nhìn chung, thị trường cung ứng lạnh - mát nói chung sẽ là ngành phát triển mạnh trong thời gian tới. Dự báo giá trị thị trường toàn cầu sẽ đạt 271,3 tỷ USD vào năm 2022. Theo ông Julien Brun, CEL Consulting, những doanh nghiệp nào có chiến lược kinh doanh dài hạn, đầu tư bài bản sẽ có nhiều tiềm năng chiếm lĩnh thị trường và dẫn đầu ngành cung ứng lạnh - mát tại Việt Nam.